Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
CẶP BÀI TRÙNG PHIỀN NÃO

(XL) (Duk. II, 3) (It. 34)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, minh đi trước, làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Phàm có ác thú gì,
Ðời này và đời sau,
Tất cả do vô minh,
Làm gốc, làm cội rễ,
Dục tham được cất chứa,
Vì rằng kẻ ác dục,
Không xấu hổ, không kính,
Từ đó nó khởi ác,
Do vậy đi đọa xứ.
Vậy hãy nên từ bỏ,
Dục tham và vô minh,
Muốn minh được sanh khởi,
Tỷ-kheo cần từ bỏ
Tất cả mọi ác thú.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014


Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)

Bản dịch của HT Thích Minh Châu
LIỄU TRI GIÈM PHA ĐOẠN KHỔ ĐAU

(XIII) (Ek II, 3) (It. 7)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Gièm pha, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với gièm pha gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ, gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
BỐN SỰ CHẾ NGỰ

(CXI) (Cat. 12) (5 It. 118)

Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðã sống đầy đủ giới, này các Tỷ-kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa?

Nếu Tỷ-kheo trong khi đi, tham, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có sợ hãi liên tục thường hằng tinh tấn, siêng năng.

Nếu Tỷ-kheo trong khi đứng... nếu Tỷ-kheo trong khi ngồi... nếu Tỷ-kheo trong khi nằm, thức, tham được trừ bỏ, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người nhiệt tâm, có sợ hãi, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng.


Ði đứng biết tự chế,
Ngồi nằm biết tự chế,
Tỷ-kheo biết tự chế,
Khi co tay, duỗi tay.
Phía trên, ngang, cùng khắp,
Xa cho đến cùng tột,
Bất cứ sanh thú nào,
Ở tại thế giới này,
Khéo quán sát sanh diệt,
Của tất cả pháp uẩn,
Sống như vậy nhiệt tâm,
Tâm chỉ tịnh, đúng pháp,
Tâm an tịnh, không động,
Thường xuyên chuyên học tập,
Liên tục, thường siêng năng,
Tỷ-kheo được gọi vậy.

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
BA CON MẮT

(LXI) (Tik. II, 2) (It. 52)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
HAI ĐỀ TÀI PHÁP THOẠI TIẾP NỐI

(XXXIX) (Duk. II, 2) (It. 33)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? "Hãy thấy ác là ác", đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây, "Hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly", đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với Như Lai, Phật Ðà,
Từ mẫn mọi chúng sanh,
Hãy thấy lời thuyết giảng,
Tuần tự pháp theo pháp,
Hai pháp được trình bày,
Một là hãy nhìn rõ,
Pháp ác là pháp ác
Và chính tại ở đây,
Từ bỏ, không tham đắm.
Từ đây, không tham đắm,
Hãy làm cho an tịnh,
Mọi khổ đau phiền não
.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
LIỄU TRI PHẪN NỘ DIỆT KHỔ ĐAU

(XII) Ek II, 2) (It. 7)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với phẫn nộ phẫn uất,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
BA PHƯỚC NGHIỆP SỰ

(LX) (Tik. II, 1) (It. 51)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp do sự tu tập tác thành. Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Hãy để cho người ấy,
Học tập làm công đức,
Hướng dẫn đến tương lai
Ðem lại căn an lạc.
Hãy tu tập bố thí,
Tập sở hành an tịnh,
Và tu tập từ tâm,
Tu xong ba pháp ấy,
Những pháp khởi lạc thọ.
Bậc Hiền trí được sanh,
Tại thế giới an lạc,
Không phiền não hận thù
.


Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
KHUYNH HƯỚNG CỦA BẬC ĐẠI ẨN SĨ

(XXXVIII) (Duk. II, 1) (It. 31)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo. Với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hai tầm tứ được hành trì nhiều đó là an ổn và ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích không làm hại, thích thú không làm hại. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích không làm hại này, thích thú không làm hại này, tầm tứ này được hành trì nhiều. "Với cử chỉ uy nghi này Ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật". Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích ẩn dật, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật này, tầm tứ này được hành trì nhiều! Phàm có bất thiện gì, thì đều được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. "Với cử chỉ uy nghi naỳ, chúng ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật". Này các Tỷ-kheo, hãy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. Còn có gì bất thiện, còn có gì chưa đoạn tận, còn có gì chúng ta phải từ bỏ nữa đâu?

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Như Lai, bậc Giác ngộ,
Bậc có thể nhẫn nại,
Những gì mà người khác,
Không có thể nhẫn nại,
Hai tầm tứ, vị ấy
Hành trì và thực hiện,
Trước hết được nói đến,
Là an ổn tầm tứ,
Thứ đến là ẩn dật,
Thứ hai được trình bày,
Phá tan màn hắc ám,
Ðã đến bờ bên kia,
Bậc Ðại sĩ đạt được,
Quyền lực không lậu hoặc,
Ðạt thân mạng tối hậu
Trong ái diệt, giải thoát.
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc mang thân tối hậu,
Ta nói rằng vị ấy
Từ bỏ được kiêu mạn,
Thoát khỏi được già lão,
Ðạt được bờ bên kia.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi đầu non,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình,
Cũng vậy bậc Thiện tuệ,
Leo lên lầu Chánh pháp
Biến nhãn không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
LIỄU TRI SI ĐỌAN TẬN KHỔ ĐAU


(XI) (Ek II, 1) (It. 6)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri Si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.


Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.


Với si, bị si mê,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ không bao giờ,
Trở lại tại đời này
.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
QUÁN NIỆM TRONG BỐN ĐẠI OAI NGHI

(CX) (Cat. 11) (It. 115)

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng.... khi đang ngồi... khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm. Nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu... thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.


Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Khởi lên ác tâm tư,
Liên hệ đến gia đình,
Thực hành theo ác đạo,
Mờ ám bởi si mê,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không chứng Vô thượng giác.
Ai khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Tập trung được tâm tư,
Ưa thích tầm chỉ tịnh,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Chứng được Vô thượng giác.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

 Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
NGỤ NGÔN DÒNG SÔNG
hay
QUYẾN RŨ VÀ HIỂM HOẠ CỦA PHẠM HẠNH

(CIX) (Cat. 10) (It. 113)

Này các Tỷ-kheo, ví như có người bị dòng sông cuốn trôi, dòng sông đẹp đẽ, dễ thương. Có người có mắt, đứng trên bờ thấy người ấy, nói rằng: "Này người kia, tuy người bị cuốn trôi bởi dòng sông đẹp đẽ dễ thương nhưng ở dưới kia có một cái hồ, đầy sóng và nước xoáy, đầy cá sấu và quỷ Dạ-xoa; nếu Ông đến chỗ ấy, Ông sẽ bị chết, hay đau khổ gần như chết. Rồi người ấy, sau khi nghe tiếng của người kia, liền với tay và với chân, bơi ngược dòng".

Này các Tỷ-kheo, Ta ví dụ này là để giải thích ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa là như sau: "Dòng sông, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái dễ thương, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Cái hồ ở dưới, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm hạ phần kiết sử. Sóng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với phẫn nộ, ưu não. Nước xoáy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng. Cá sấu, với quỷ Dạ-xoa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với đàn bà; ngược dòng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa xuất ly. Tinh tấn với tay với chân là đồng nghĩa với tinh cần tinh tấn. Người có mắt đứng trên bờ, này các Tỷ-kheo, là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác".


Cùng với sự đau khổ,
Hãy từ bỏ các dục,
Mong cầu trong tương lai,
An ổn khỏi khổ ách,
Chơn chánh hiểu biết rõ,
Tâm khéo được giải thoát,
Tại đấy, ở tại đấy,
Cảm xúc được giải thoát,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Phạm hạnh được thành tựu,
Ðến tận cùng thế giới,
Ðến được bờ bên kia.
Vị ấy được gọi vậy.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
 BA THÀNH TỰU CAO CẢ

(LIX) (Tik. I, 10) (It. 50).

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác ma, và chói sáng như mặt trời. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác-ma, và chói sáng như mặt trời.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Giới, định và trí tuệ,
Với ai khéo tu tập,
Vị ấy vượt qua khỏi
Thế lực của Ác ma,
Và chói sáng rực sáng,,
Như mặt trời chói sáng
.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
HAI TRỢ DUYÊN QUAN TRỌNG CHO SỰ TU TẬP

(XXXVII) (Duk. I,10) (It. 27)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại an trú với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc. Thế nào là hai? Với sự hứng khởi đối với những trường hợp đáng phấn khởi, và như lý tinh cần đối với phấn khởi. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Bậc có trí phấn khởi,
Trường hợp đáng phấn khởi,
Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Thông minh và cẩn trọng,
Quán xuyến nhìn sự vật,
Với trí tuệ Bát-nhã,
Nhiệt tình trú như vậy,
Sống đời sống an tịnh,
Không bồng bột hăng say,
Chú lực tâm tịnh chỉ,
Có thể đạt chứng được,
Ðoạn diệt các khổ đau.



Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.